Tin tức

CHÙA DÂU - DANH LAM TỪ THỜI SĨ NHIẾP

Chùa Dâu (còn gọi là chùa Cả, Pháp Vân tự, Tang Lâm tự…, nay thuộc xã Thanh Khương, Thuận Thành), từ thời Sĩ Nghiếp đã là một danh lam.

Sư Khâu Đà La người Thiên trúc (Ấn Độ) đã đến Dâu vào khoảng năm 168- 169 Tây lịch. Đó chính là thời Sĩ Nghiếp (137- 226) đang làm Thái thú Giao Châu, trị sở tại Luy Lâu. Là viên quan do nhà Hán đưa sang, song Sĩ Nghiếp không phải là người Hán. Ông tổ của Sĩ Nghiếp là người nước Lỗ, đã sang ở đất Giao Châu từ lâu, đến Sĩ Nghiếp là đời thứ sáu. Sau mấy năm du học tại Bắc Kinh, Sĩ Nghiếp được bổ về quê mình làm quan. Thời ấy, Trung Quốc đang tao loạn, Sĩ Nghiếp khéo giữ cho Giao Châu nguyên bờ cõi, thịnh vượng. Ông không xưng vương, nhưng được dân tôn là vương, thường gọi là Sĩ Vương. Viên Huy, một viên quan nhà Hán, có một lá thư gửi Thượng thư Tuân Úc, khen Sĩ Nghiếp, ông “đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn, giữ vẹn được một quận hơn 20 năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không mất nghiệp, những bọn khách xa đến trú chân đều được nhờ ơn…Khi việc quan có chút nhàn rỗi thì chăm xem các sách thư truyện. Phàm những chỗ ghi chép không rõ ràng trong sách Xuân Thu tả thị truyện (tôi đã hỏi), đều được ông giảng giải cho những chỗ nghi ngờ, đều có kiến giải của bậc thầy… Anh em ông làm quan coi quận, hùng trưởng một châu, ở lánh ngoài muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường…”. Sử gia Lê Văn Hưu viết: “Sĩ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt đến thịnh một thời”. Sử gia Ngô Sĩ Liên chép: “ Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương…”. Hẳn giữa Thái thú Sĩ Nghiếp và Thiền sư Khâu Đà La có quan hệ mật thiết.

Theo Cổ Châu Phật bản hạnh (in năm 1752), làng Mãn Xá có ông Tu Định, sinh được cô gái tên là Man Nương. Mãn Xá còn gọi là Mèn, Mẫn Xá. Man Nương không phải là một tên cụ thể. Nương nghĩa là nàng, Man chỉ là Mèn, Mãn, Mẫn gọi chệch đi một chút. Thấy Man Nương thông tuệ, ông Tu Định cho theo Khâu Đà La để học hỏi. Một đêm, Man Nương nằm giữa phòng mà ngủ, Khâu Đà La “bước qua”, thế là “tâm phúc hư không chuyển dời”. Man Nương có thai, sinh con, mang trả Khâu Đà La. Đứa trẻ bỗng nhập vào một cây lớn - dung thụ. Một số người cho rằng đó là cây đa. Chuyện cổ có đoạn: “Một hôm cây phù dung bị đổ trôi ra bến sông trước cửa chùa, trong cây văng vẳng tiếng nhạc, có ánh sáng rực rỡ, hương thơm ngào ngạt. Dân làng ra kéo cây không nhúc nhích, Sỹ vương cho quân ra kéo cũng không được. Đúng lúc đó bà Man nương ra sông, bà lấy dải yếm quăng ra nói: “Có phải con mẹ thì về với mẹ”. Cây phù dung trôi vào, rồi lên bờ sông một cách nhẹ nhàng, khiến cho mọi người vô cùng kinh ngạc. Đêm đó Sỹ Vương được một thần nhân báo mộng hãy tạc thành bốn pho tượng…”. .

Ngay hôm sau Sỹ Nhiếp sai thợ mộc chia gỗ làm bốn đoạn để tạc bốn pho tượng. Nhớ lời trong mộng, Sĩ Nghiếp đặt tên bốn vị là Pháp Vân (thờ ở chùa Dâu), còn ba pho: Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện thờ ở chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn. Chuyện cổ trên gắn liền với sự nghiệp của Sĩ Vương. Bốn hiện tượng thiên nhiên được hình tượng hoá, song không ngang cấp. VÂN (mây) là chủ, bao quát. Có mây mưa, nhưng còn có mây ngũ sắc, nên chùa Pháp Vân phải là trung tâm. VŨ (mưa), LÔI (sấm), ĐIỆN (sét, chớp) chỉ là những biểu hiện từng nơi từng lúc của mây. Các chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn ở xung quanh.

Vùng Luy Lâu, cũng gọi là Liên Lâu (vùng Dâu, Thuận Thành) là thủ phủ của Giao Châu từ thời Bắc thuộc, đạo Phật sớm phát triển. Theo lời Pháp sư Đàm Thiên (đời Tuỳ Cao Tổ, 581- 604), Trung Quốc) thì xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông (Trung Quốc) chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có tới hai mươi ngôi bảo tháp, độ được hơn năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi”. Chùa Dâu thời ấy có Thiền sư Tìniđalưuchi (Vinỉtaruci, ? - 594), người miền nam của Thiên Trúc (Ấn Độ) vốn có chí vượt lên thế tục, ông xách gậy đi nhiều nơi mong được truyền tâm ấn của Phật, từng qua Trường An, Hồ Nam (Trung Quốc), năm Canh Tý- 580, thiền sư sang nước ta, đã trụ trì và đắc pháp tại chùa Dâu. Đạo Phật nước ta có hai dòng Thiền lớn, thì Thiền sư Tìniđalưuchi là ông tổ của một dòng. Về dòng Thiền Tìniđalưuchi, sách Thiền uyển tập anh thời Lý Trần đã chép, từ năm 580 đến năm 1213 đã có 27 vị Quốc sư, Thiền sư, Trưởng lão… Đặc biệt, trong đó có Thiền sư Vạn Hạnh và Ni sư Diệu Nhân - tức Lý Ngọc Kiều, hai vị sư triều Lý này đạo pháp cao diệu và thơ văn xuất sắc.

Phật pháp, linh đạo của Tìniđalưuchi toả chiếu. Chừng năm trăm năm sau khi Thiền sư viên tịch, vua Lý Thái Tông còn có bài kệ truy tán:

Sáng tự lai Nam quốc/ Văn quân cửu tập thiền/ Ưng khai chư Phật tín/ Viễn hợp nhất tâm nguyên/ Hạo hạo Lăng Già nguyệt/ Phân phân Bát Nhã liên/ Hà thì lân diện kiến/ Tương dữ thoại trùng huyền.

Dịch:

Sang nước Nam truyền đạo

Xứng danh bậc túc thiền

Mở niềm tin đức Phật

Xa hợp một tâm nguồn

Trăng Lăng Già vằng vặc

Sen Bát Nhã thơm truyền*

Biết bao giờ gặp mặt

Cùng nhau nói đạo huyền.

 

Chùa Dâu nơi phát tích của thiên tình sử: Vua Lý Thánh Tông đến chùa cầu tự, gặp Ỷ Lan, đưa về cung thành hoàng hậu. Vua Lý Nhân Tông (con của Lý Thánh Tông và Ỷ Lan) cũng nhiều lần đến chùa Dâu cầu khấn.

Đời Trần, các vua Trần cũng nhiều lần đến chùa Dâu lễ Phật, thuyết pháp. Năm Mậu Thân (1308), Điều Ngự Trần Nhân Tông cho tổ chức long trọng lễ truyền đăng, trao y bát cho Thiền sư Pháp Loa tại chùa Siêu Loại (Bắc Ninh). Vua Anh Tông và các triều thần cùng tham dự. Vì sao Điều Ngự Trần Nhân Tông làm lễ trao chức sắc Trúc Lâm Đệ Nhị Tổ cho Thiền sư Pháp Loa tại Siêu Loại - vùng Dâu mà không chọn nơi nào khác? Qua đó, ta thấy rõ vị thế của chùa Dâu, vùng Dâu, Siêu Loại trong tâm thức Điều Ngự Giác hoàng Đệ Nhất Tổ.

Sách Tam Tổ thực lục ghi rõ:

"Năm Mậu Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), vào ngày mồng một tháng Giêng, Pháp Loa phụng mệnh làm người nối pháp trù trì chùa Siêu Loại ở giảng đường Cam Lộ. Bắt đầu buổi lễ, mọi người làm lễ ở tổ đường; đại nhạc được tấu lên, các loại danh hương được xông đốt... Ðiều Ngự đưa Pháp Loa vào lạy ở tổ đường xong, cùng xuống thực đường để ăn cháo sáng. Sau buổi triêu thực. Nhạc tấu lên, trống lớn nổi dậy, đại chúng chư tăng được triệu tập cùng lên pháp đường; lúc đó vua Anh Tông đã ngự giá tới chùa; ngôi chủ khách đã phân xong, mọi người cùng ngồi. Anh Tông lúc đó đóng vai một vị đàn việt lớn của Phật Pháp, ngồi vào ghế khách của pháp đường, quốc phụ thượng tể với các quan cùng đứng dưới sân. Ðiều Ngự thăng đường thuyết pháp. Thuyết pháp xong Điều Ngự rời pháp tòa, dắt Pháp Loa cho ngồi trên pháp tòa ấy, rồi đứng đối diện Pháp Loa làm lễ thăm hỏi. Sau đó Pháp Loa đáp bái lại. Ðiều Ngự trao pháp y cho Pháp Loa khoác vào. Bấy giờ Ðiều Ngự ngồi xuống ghế khúc lục một bên để nghe Pháp Loa thuyết pháp. Xong rồi, Ðiều Ngự đem Sơn Môn (Giáo Hội) Yên Tử và chùa Siêu Loại ủy cho Pháp Loa kế thế trụ trì, làm tổ thứ hai phái Trúc Lâm".

Vào trung tuần tháng Mười năm Mậu Thân (1308), sau khi về kinh thăm công chúa Thiên Thuỵ ốm, trên đường trở lại Yên Tử, Điều Ngự Trần Nhân Tông có ghé chùa Pháp Vân (chùa Dâu) và để lại một bài thơ trên vách tăng đường: Thế số nhất tức mặc/ Thời tình lưỡng hải ngân/ Ma cung hồn quản thậm/ Phật quốc bất thăng xuân.

Dch:

Kiếp người một hơi thở

Đời đôi giọt lệ ngân

Cung ma quản dữ lắm

Cõi Phật ấy là xuân.

Đời Trần Anh Tông, năm Quý Sửu - 1313, chùa Dâu được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi trôi coi tu tạo. Mạc Đĩnh Chi ( ? - 1346) đỗ Trạng khoa Giáp Thìn - 1304, làm quan đến Tả bộc xạ, tức Thượng thư. Chùa Dâu được xây dựng với quy mô rất lớn. Chùa trăm gian, tháp chín tầng. Cầu chín nhịp. Trạng nguyên Đào Sư Tích (1350 - 1396), đỗ Trạng khoa Giáp Dần- 1374, làm quan trải Nhập nội Đại hành khiển, Thượng thư bộ Lễ. Một lần vãn cảnh chùa Dâu, Đào Sư Tích nhớ Thiền sư Tìniđalưuchi, trụ trì tại chùa Dâu mười lăm năm cho đến khi viên tịch. Sự kiện từ thời Hậu Lý, đã cách đến tám thế kỷ, hồi ấy chùa Dâu còn có tên chữ là Tang Lâm Tự, Trạng nguyên họ Đào dạt dào cảm xúc, viết thành bài thơ thất ngôn bát cú Nhân đáo Tang Lâm lưu đề: Sơ tòng Thiên Trúc đáo Nam phương/ Trụ túc Tang Lâm, Lý đế cương/ Bất diệt bất sinh hình dĩ hiện/ Vô lai vô khứ lý tư chương/ Thần cư không lý tuỳ phong vãng/ Cốt trí nhân gian ứng mộng trường/ Thập ngũ niên dư sư thị tịch/ Tì Ni hữu tượng diệc vi lương**

Dịch thơ:

Nhân đến chùa Dâu

viết bài thơ này

Thiên Trúc xuống Nam tự thuở đầu

Thời vua Hậu Lý, trụ chùa Dâu

Không sinh không diệt hình cao diệu

Chẳng đến chẳng đi lẽ nhiệm màu

Hồn lại, cây lay, cơn gió thoảng

Cốt thiêng, linh ứng, mộng dân cầu

Mười lăm năm lẻ, thiền sư tịch

Còn tượng Tì Ni đây, quý sao!

Duy Phi dịch

Khởi thuỷ, chùa Dâu được xây dựng từ năm 187. Đó là ngôi chùa lâu đời nhất và gắn liền với lịch sử văn hóa, Phật giáo Việt Nam, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử ngày 28 tháng 4 năm 1962. Đã sắp mồng Tám tháng Tư, hội chùa Dâu. Thật tự hào, vùng Dâu - Bắc Ninh có ngôi chùa đã có trên 18 thế kỷ, qua nhiều lần trùng tu, tân tạo, còn đây ngọn tháp Hoà Phong uy nghi, nhiều tượng quý: tượng Tìniđalưuchi, tượng Pháp Vân, tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ… với bao huyền thoại ly kỳ, sinh động./.

DP

----

Chú thích:

* Lăng Già tức núi Lankavatara, tương tuyền nới đod Phật đã hiện lên, thuyết pháp. Sau gộp lại thành bộ kinh Lăng Già.

Bát Nhã - Prajna, có nghĩa là trí tuệ, là chủ đề của của hai bộ kinh Phật: Kinh Kim Cương và Tâm kinh (Bát Nhã Bà la mật Tâm kinh).

.** Tì Ni: Tìniđalưuchi.

bien tan yaskawa v1000