Tin tức

NHỮNG DÒNG SÔNG LẤP VÀ HUYỀN SỬ VĂN HOÁ XỨ BẮC

Miền quê nào cũng có con sông của riêng mình. Cá nhân nào cũng có con sông trong tâm tưởng của riêng mình. Nhà thơ Tế Hanh có những vần thơ gan ruột nói hộ mỗi người: Sông mở nước ôm tôi vào dạ /Ơi con sông tắm cả đời tôi. Sông nước là nguồn sống của cư dân Việt làm lúa nước, đến mức người Việt cổ đã ví sông như những con rồng thiêng của bộ tộc Lạc. Thế nhưng vật đổi sao dời, nhiều con sông thân thương ngày nào đã bị lấp bồi nên ruộng nên làng. Tiếng lòng Tú Xương đã thảng thốt kêu lên từ trăm năm trước về con sông Vị quê mình: Sông kia rày đã nên đồng. Xứ Bắc cũng có những con sông chỉ còn trong huyền sử văn hoá như vậy.

Quê tôi có con sông mang tên làng là sông Khoai. Từ nhỏ tôi đã tắm, đã tập bơi, đã uống nước và gắn bó với nó. Vào mùa mưa nước sông phình lên như sông cũng biết chửa đẻ. Nhưng lớn lên đi vài cây số lên con sông Đuống chảy qua huyện đã thấy ngượng, sông Khoai của tôi tầm vóc bé nhỏ quá. Nhưng sao trong tâm tưởng tôi chỉ nghĩ về nó, nhớ về nó thôi. Sông Khoai lúc nào cũng đầy ăm ắp nước. Nghe nói ngày xưa sông hình thành do vỡ đê sông Đuống. Sông cắt đường cái quan từ Thăng Long đi vào bến Bình Than, làng xây cầu gạch, gọi là cầu Khoai. Nơi đây người học trò nghèo Nguyễn Quang Bật mở quán bán nước lấy tiền ăn học, năm Hồng Đức thứ 15 đã thi đỗ trạng nguyên. Sông Khoai quê tôi chỉ dài hơn hai cây số, không biết sông lấy đâu nguồn nước mà đầy ắp như thế. Có người bảo do mạch nước ở các vực sông đùn lên. Không ngờ bà ngoại tôi, người sông ngót trăm tuổi bảo không phải do mạch mà do nước trạm bơm Xuân Quan bơm về đấy. Thời xưa vào mùa khô sông cạn trơ đáy. Nhà nào có ruộng ven sông cấy được thêm vụ lúa chiêm, họ phải bới mạch ở giữa lòng sông mới có nước tát cho lúa đấy. Chân ruộng xa hơn chỉ cấy được vụ lúa mùa, xấu tốt hoàn toàn nhờ trời, thế nên mới nói nhất nước, mới phải cầu cho mưa thuận gió hoà thì mùa màng mới bội thu. Hoá ra xét cho cùng sông Khoai cũng là một chi lưu của sông Hồng mà đầu nguồn chính là trạm bơm Xuân Quan. Công trình đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải chính là một chi lưu vĩ đại của sông Hồng đã làm thay đổi hẳn diện mạo nông thôn quê tôi.

Sông Dâu

Theo sách Cổ Châu phật bản hạnh kể về sự tích Phật Tứ Pháp vùng Dâu thì vào thời Sĩ Nhiếp cai trị (185 - 225) có trận cuồng phong làm đổ cây dung thụ bên trong chứa con gái nàng Man Nương do sư thầy Khâudala đặt vào. Cây từ núi Mả Mang (núi Phật Tích ở huyện Tiên Du) theo sông Dâu về bến Vọng Giang Lâu thành Luy Lâu thì quẩn lại không trôi đi nữa. Sĩ Nhiếp thấy cây to sai quân kéo vào để làm nhà nhưng không kéo nổi. Khi nàng Man Nương đến chỉ cần tung dải yếm ra là kéo vào được. Đêm đó Sĩ Nhiếp nằm mơ được tiên ông báo cần xẻ gỗ làm tượng Phật thì sẽ cầu mưa được mưa và ngài đã làm theo. Đó là hệ thờ phật Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) đặt ở bốn chùa gần nhau là chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn.

Truyền thuyết về Ngọc Tiên công chúa do dân địa phương kể lại thì khi quân Ngô đánh phá thành Luy Lâu, công chúa Ngọc Tiên đã lên thuyền chạy thoát, đến khúc sông Trà Lâm thì trầm mình giữ trọn phẩm tiết. Ngày nay khi khai hội Tứ Pháp bao giờ cũng phải chờ kiệu nàng từ đền Lũng sang chùa Dâu thì hội mới bắt đầu.

Rõ ràng sông Dâu là con sông lớn thông thương được đến biển đã giúp Luy Lâu trở thành đô thị cổ phát triển, trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của nước ta suốt nghìn năm Bắc thuộc. Các nhà sư Ấn Độ cũng theo sông đến Dâu truyền đạo, lập ra trung tâm Phật giáo lớn thời đó do có sự ủng hộ của thái thú Sĩ Nhiếp. Thành Luy Lâu xây dựng trên khu đất cao ở phía bắc sông Dâu, đồng thời có con hào rộng được đào ở cửa bắc dẫn nước sông Dâu vào bao bọc gần hết thành. Trong thành có cả Vọng Giang Lâu kiểm soát bến sông Dâu. Thời Trần có chuyện trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi xây chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp ở Dâu để chuộc tội cho mẹ. Hẳn sông Dâu thời đó vẫn còn rộng lắm. Vậy sông Dâu phát nguyên từ đâu, vì sao bị lấp bồi nên ruộng nên làng như bây giờ?

Cầu bắc qua sông Dâu ngày nay chỉ còn một nhịp, nếu theo chuyện Mạc Đĩnh Chi xây cầu chín nhịp thì lòng sông phải rộng quá cả chợ Bãi Định, nuốt trọn cả con đường đi về Liễu Ngạn quê Nguyễn Gia Thiều và dãy phố bám theo trục đường. Đi ngược về phía núi Phật Tích thấy rõ dấu vết bờ cao khu ruộng trũng thôn Tư Thế. Ở trước Vọng Giang Lâu thì lòng sông mở ra rộng gấp hai lần nơi khác. Nhưng nay cũng là đường, là phố, là ruộng cả rồi. Đoạn sông qua thôn Trà Lâm cũng thành ruộng. Mãi giữa đồng, giáp ranh thôn Đình Tổ mới có dấu vết ruộng trũng. Vào đến thôn Đình Tổ thì là những dãy ao đã đắp bờ ngăn thành nhiều ao nhỏ để nuôi thả cá. Đoạn giáp xóm Sông thôn Đình Tổ là Rộc Đình (khu ruộng trũng sau đình làng). Ở đây tôi được ông Nguyễn Văn Đang làm hướng đạo viên. Ông Đang gần sáu mươi tuổi, gia đình sống nhiều đời ở đây. Ông cho biết, năm 1962 xóm Sông mới có 25 hộ, nay đã đông tới 140 hộ. Thời ông còn bé khu Rộc Đình hoang vu lắm, tre pheo um tùm, cây cối rậm rạp lắm, ruộng đầy bèo tây, cấy một vụ, gặt phải kéo bằng bè, mảng. Vậy mà bây giờ thành chân vàn cao rồi. Đê sông Đuống thời xưa cũng thấp nhỏ thôi, bây giờ cao to thế kia là do nhà nước đã nhiều lần huy động dân đắp trúc đấy. Trước xã nào chả có đội 202 chọn toàn người khoẻ mạnh đi đắp đê quanh năm. Sông Đuống đoạn xóm Sông thời xưa còn đi ra bãi giữa trồng trọt, mùa cạn còn lội sang sông được, vậy mà bây giờ sông sâu rộng quá chừng. Một phần do tình trạng khai thác cát khiến dòng chảy ngày càng mạnh hơn, lòng sông ngày càng sâu hơn, rộng hơn. Đoạn đê đắp trên nền sông Dâu cũ nay vẫn có hiện tượng mạch đùn mạch sủi khi nước to không khắc phục hết được. Nhưng người ta vẫn làm nhà ở ngay trên mạch sủi đó chẳng sợ chẳng may đê vỡ sẽ thổi bay cả nhà cửa, tài sản. Vì đất đắt như vàng rồi. Hỏi sông Dâu có phải chảy từ núi Phật Tích về không thì ông Đang không biết, nếu có thì từ đời nảo đời nào rồi. Sông Đuống thời xưa nhỏ hơn nhưng sách vở đã nói đến từ thời Lê Văn Thịnh rồi. Có thể sông Dâu là một chi lưu của sông Đuống. Ngược gia phả nhà ông Đang biết gần 150 năm trước các cụ đã ở xóm Sông này thì có thể đoán định thời vua Tự Đức cho khơi sông Đuống theo kế hoạch phân lũ sông Hồng của hoàng giáp Nguyễn Tư Giản thì lòng sông Dâu đã bị bịt lại để đảm bảo sản xuất cho vùng hữu Đuống thuộc Thuận Thành. Vì tên phủ Thuận An cũng đổi sang tên Thuận Thành vào thời kì khơi sông Đuống này. Một loạt làng ven sông Đuống cũ phải chuyển vào trong đê do việc khơi sông này vào những năm đầu thế kỉ 20 như Lạc Thổ, Đạo Tú, Tú Tháp, Đông Hồ... cũng cho thấy sông Đuống ngày một hung dữ hơn. Ông Đang tâm sự, con người bé nhỏ trước thiên nhiên là thế mà sức tác động cải biến thiên nhiên cũng nhanh ghê gớm. Đang là gò cao khó canh tác, bán đi làm gạch bị khoét thành hồ ao thả cá, lại bán hồ ao làm công nghiệp thì chỉ trong vài tháng người ta lấp cát đầy để xây ngay nhà máy được.

Năm 1958 nhà nước xây dựng công trình thuỷ lợi lớn mang tên Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải thì dòng chảy sông Dâu lại được khôi phục một phần, lấy nguồn nước từ kênh dẫn và cống điều tiết từ sông Đuống ở vị trí không phải dòng sông cổ. Nhưng đoạn từ bến Vọng Giang Lâu về Cầu Gáy thì theo dòng chảy cũ và có đào thêm đoạn chảy về phía huyện Văn Lâm, qua thôn Ngọc Tỉnh (xã Song Liễu), nơi Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với dân công làm mương năm 1958. Sông Dâu cổ nay còn dấu vết và một dòng chảy nhỏ nhưng vẫn đủ cho ta hình dung một toà thành lớn nhất nước ta hồi trước và những ngôi chùa hệ thờ tứ Pháp còn in đậm nét trong tâm thức dân gian.

Sông Tiêu Tương

Tôi và Anh hùng lao động - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn từng viết chung cuốn sách Chuyện kể ở đền Đô nhưng trong cuốn sách này chưa có bài viết về con sông Tiêu Tương huyền thoại với chuyện tình Trương Chi - Mị Nương sống mãi trong lòng nhân dân. Nhân chuyến du xuân Phủ Từ tôi đến thăm đầm Phù Lưu, còn có tên khác là Loa Hồ, nơi được coi là phát nguyên sông Tiêu Tương theo sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn. Người làm hướng đạo là ông Lý Văn Lực, phó chủ tịch hội cựu thanh niên xung phong tỉnh Bắc Ninh, nhà ở phố Minh Khai (Từ Sơn). Đầm Phù Lưu không rộng lắm, lại mới xây con đường bê tông rộng cắt ngang qua đầm khiến cho nó như hẹp đi nhiều lần. Thật khó tin đầm này đủ nước cấp cho con sông nội vùng. Dấu vết về phía đoạn sông Tiêu còn sót ở núi Tiêu không còn. Đoạn rõ nhất mà ông Lực còn nhớ là dải ao rau muống chạy gần nhà máy Quy chế nay cũng đã thành dãy phố và dãy nhà xưởng rồi. Tôi chụp ảnh con đường bê tông như dải băng cáo chung con đầm nước này.

Rồi về Đình Bảng xem con sông cổ xưa có dòng chảy thế nào. Dấu vết qua làng còn rõ vì dãy ao nối nhau từ đình làng Đình Bảng ra đền Đô. Đến đền Đô thì gặp thầy Thìn. Trước đây ông từng lập ra tổ nghiên cứu lịch sử trong trường học để khuyến khích học sinh tìm hiểu lịch sử quê hương do đó chính ông cũng là người am tường lịch sử quê hương. Mới đây ông cũng đã tham gia biên soạn cuốn Lịch sử xã Đình Bảng. Nghe tôi hỏi về dòng chảy sông Tiêu Tương ông liền phấn chấn như bị chọc vào chỗ ngứa vậy. Và kéo vào gian phòng treo tấm bản đồ quy hoạch phục dựng sông Tiêu Tương. Theo bản đồ này thì sông Tiêu Tương bắt đầu từ thôn Trùng Quán gần cầu Đuống (thuộc huyện Gia Lâm), chảy phía đông đường 1A cũ qua chùa Kim Đài, chùa Quỳnh Lâm, vào dãy ao giữa làng Đình Bảng qua đền Đô, xuôi về phía thôn Đại Đình thì chia làm 2 nhánh: một nhánh chảy về phía núi Phật Tích cắt đường 1A mới ở gần cầu vượt, một nhánh chảy về phía đầm Phù Lưu, qua nhà máy Quy chế về phía Tiêu Viềng, cắt đường 1A cũ ở phía nam núi Tiêu. Nhưng dự án mới chỉ phục dựng đoạn sông chảy qua địa phận phường Đình Bảng trước. Do sông chảy qua đền Đô nên dân địa phương còn gọi đoạn này là sông Đô. Về nguyên nhân dẫn đến việc sông Tiêu Tương bị bồi lấp mất thì thầy Thìn cũng không trả lời được. Có lẽ cũng từ kế hoạch trị thuỷ sông Hồng của hoàng giáp Nguyễn Tư Giản chỉ lấy dòng chảy sông Đuống thôi, còn các chi lưu khác thì bịt cửa sông lại do việc đắp trúc đê mỗi ngày một kiên cố và cao to hơn. Sách Lịch sử truyền thống làng Xuân Ổ có nhắc đến nguyên nhân đầm Phù Lưu hết nguồn cấp nước từ sông Đuống vào là do sự nắn dòng sông từ thời Hồ Quý Li. Đến năm 1958 nhà nước ta xây dựng công trình Đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải đã hoàn thiện hệ thông mương máng tưới tiêu mới thì vai trò sông nội vùng như sông Tiêu Tương càng không cần thiết nữa nên càng chóng bị bồi lấp hơn.

Những ghi chép chính thống về sông Tiêu Tương lại có đánh giá khác nhau về dòng chảy của nó. Sách Đại Nam nhất thống chí ( Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1971) viết: Sông Tiêu Lương cũ (một tên khác của sông Tiêu Tương) ở địa giới phủ Từ Sơn, phát nguyên từ cái đầm lớn xã Phù Lưu huyện Đông Ngàn, chảy từ phía tây sang đông bắc, qua xã Tam Sơn huyện Yên Phong, chuyển sang địa phận hai huyện Tiên Du và Quế Dương vào sông Thiên Đức. Sách Địa chí Hà Bắc (xuất bản năm 1980) có lẽ có sự nghiên cứu thực địa kĩ hơn nên có viết khác đi một chút: Sông Tiêu Lương, còn gọi là sông Tiêu Tương, ở địa giới huyện Tiên Sơn phát nguyên từ hồ Lãng Bạc chảy từ tây sang đông bắc qua xã Tương Giang, Vân Tương, qua các làng quan họ nổi tiếng như Lim, Bưởi, Ó, Se, Bò... rồi chảy vào sông Cầu.

Theo chuyện Trương Chi thì sớm nhất có thể là thời Lý, sông Tiêu Tương còn có dòng chảy để chàng Trương làm nghề chài cá. Cũng vào thời Lý hương Diên Uẩn còn nhiều rừng. Di tích đền Miễu thôn Dương Lôi (đền thờ Lý triều thánh mẫu) còn là khu rừng Mai Lâm (bia Lý gia linh thạch ở chùa Tiêu). Thậm chí năm 1905 rừng Báng ở xã Đình Bảng mới bị khai phá thành ruộng canh tác vì quân Pháp lo sợ nghĩa quân Đề Thám dựa vào đó làm căn cứ đánh thành Hà Nội (Lịch sử xã Đình Bảng). Ngay khu đầm Phù Lưu được coi là phát nguyên dòng sông theo ghi chép thời Nguyễn, ngày nay người ta cũng vừa mới xây con đường bê tông rộng cắt đôi đầm, và nếu người ta bán đất đầm làm công nghiệp thì chỉ vài tháng đổ cát thì sẽ không còn một dấu vết gì về một dòng tụ thuỷ lớn thời cổ nữa.

Giáo sư Trần Quốc Vượng trong bài Sông nước Tiêu Tương hương Cổ Pháp (7/1996) lại mô tả sông Tiêu Tương như sau: Sông Tiêu Tương cũng là nhánh sông Hồng từ Hoa Lâm - Mai Lâm chảy qua Đình Bảng - đầm Phù Lưu và có hai nhánh, một nhánh chảy sang các Lũng Tiêu, Ó chợ, Dương Ổ (làng Giấy) rồi chảy vào sông Thiếp (tức Ngũ Huyện Khê) ở vùng Đồng Bạch, một nhánh chảy xuống Đại Đồng rồi hoà nước vào sông Tào Khê chảy dưới chân Phật Tích. Theo mô tả này Ban quản lí di tích đền Đô đã có quy hoạch phục dựng sông Tương đoạn chảy qua Đình Bảng từ giáp thôn Trùng Quán (Gia Lâm) chảy phía đông đường 1A cũ, qua chùa Kim Đài vào hệ thống ao giữa làng, qua phía nam đền Đô xuống phía thôn Đại Đình. Việc phục dựng sông Tương không chỉ làm sống lại chuyện tình Trương Chi - Mị Nương mà còn vì tạo cảnh quan văn hoá và vai trò khởi nghiệp vương triều Lý của nó.

Sông Tiêu Tương đã làm nên một vùng đồng bằng sầm uất, rồi phát tích nên vương triều Lý, dù nay đã bị lấp bồi nên ruộng nên làng nhưng nó sẽ mãi tồn tại vì đã gắn liền với huyền sử văn hoá Kinh Bắc.

 

Tác giả: Phạm Thuận Thành

Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh

02413.782.355 - 0168.5300.803

 

bien tan yaskawa v1000